Công ty Xi măng Nghi Sơn

Xi măng Nghi Sơn - Điểm lại tin tức xây dựng 07/2023

02 08 2023

ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến tháng 7 năm 2023

ĐÀ NẴNG DỰ KIẾN XÂY DỰNG HẦM CHUI QUA SÔNG HÀN

Theo Dự thảo quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng dự kiến xây dựng hầm chui sông Hàn, giúp giảm tải lưu lượng giao thông khu vực trung tâm Thành phố.

Dự kiến, hầm qua sông Hàn sẽ có chiều dài vào khoảng 1 km. Điểm đầu của dự án này nằm tại nút giao giữa đường Đống Đa - Trần Phú, quận Hải Châu. Đối với đường Đống Đa, tuyến đường này kết nối trực tiếp với ga Đà Nẵng hiện hữu. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn giúp kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Điểm cuối của dự án là điểm giao giữa đường Vân Đồn và đường Trần Hưng Đạo. Trong đó, đường Vân Đồn sẽ kết nối với quốc lộ 14B, kết nối với cảng Tiên Sa. Hầm vượt sông Hàn là một trong những dự án quan trọng của Đà Nẵng mang điểm độc đáo cho mỹ quan thành phố.

Nguồn: Báo đầu tư (5/7/2023)

Đà Nẵng dự kiến xây dựng hầm chui sông Hàn
Đà Nẵng dự kiến hầm chui qua sông Hàn, tầm nhìn đến năm 2050 (Ảnh: sưu tầm)

 

► THANH HOÁ ĐẶT MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2025 SỬ DỤNG TỐI THIỂU 30% CÁT NGHIỀN

Trước thực trạng cát tự nhiên đang dần cạn kiệt, để đảm bảo tính bền vững tỉnh Thanh Hoá đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất cát nhân tạo từ đá thải tại các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng. Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên, năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp.

Để phát triển cát nhân tạo, tháng 7/2021 HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 20 về “Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025”. Với Nghị quyết này, các tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025.

Các tổ chức này khi đầu tư máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ sản xuất cát nhân tạo phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công suất thiết kế > 50 tấn/giờ, sản phẩm cát nhân tạo phải được cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải sản xuất và tiêu thụ được ít nhất 75.000 tấn cát tương đương khoảng 50.000m3 tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Đồng thời, mức hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư, bao gồm chi phí mua sắm máy móc, thiết bị, chi phí chuyển giao kỹ thuật, công nghệ (nếu có); chi phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (6/7/2023)

Tỉnh Thanh Hoá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất cát nhân tạo từ đá thải tại các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng (Ảnh: sưu tầm)

 

GIÁ THÉP XÂY DỰNG TIẾP TỤC GIẢM SÂU

Cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt hạ khoảng 110.000 - 410.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện giá thép xây dựng trong nước của nhiều doanh nghiệp đã về dưới mức 14 triệu đồng/tấn sau 14 lần giảm giá liên liên tiếp kể từ đầu năm.

Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 140.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300. Tại miền Trung và miền Nam, giá loại thép này cũng được giảm 150.000 đồng/tấn. Giá sau điều chỉnh ở 3 miền lần lượt là 14,24 triệu đồng/tấn; 14,19 triệu đồng/tấn và 14,09 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước đó.

Thương hiệu thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 150.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 13,99 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 13,74 triệu đồng/tấn.

Thép Việt Đức cũng điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn với sản phẩm thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,09 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13,84 triệu đồng/tấn.

Giá thép giảm 14 lần liên tiếp kể từ đầu năm (Ảnh: sưu tầm)

 

Thép Pomina tại miền Trung giảm 310.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240. Sau điều chỉnh, giá 2 dòng thép này lần lượt là 14,79 triệu đồng/tấn và 14,59 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này cũng giảm 410.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, về mức giá 14,69 triệu đồng/tấn và giảm giá thép CB240 thêm 310.000 đồng/tấn xuống còn 14,48 triệu đồng/tấn.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận điều chỉnh giảm giá như thép Miền Nam, Tung Ho, thép Thái Nguyên, Việt Sing, Việt Mỹ...

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.

Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (17/7/2023)

 

TP HỒ CHÍ MINH TÁI KHỞI ĐỘNG NHIỀU CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM

Sau một thời gian dài ngưng trệ, dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh là hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Linh, đã được tái khởi động. Để có thể tiếp tục thi công, TP Hồ Chí Minh đã gỡ vướng mắc về công tác di dời hạ tầng. Cụ thể, đường điện 220KV Nhà Bè - Tao Đàn, đường ống nước BOO Thủ Đức và một số đường ống khác sẽ được di dời, chậm nhất là đến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành.

Ngoài dự án này, dự án xây dựng cầu Nam Lý tại TP Thủ Đức cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sau một thời gian đình trệ vì không có mặt bằng để thi công.

Sau khi lãnh đạo TP Thủ Đức, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vào cuộc, nhiều hộ dân đã đồng ý di dời. Hiện tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt gần 100%. Nhà thầu đang thi công trụ mới, một phần cầu Cống Đập đã được đập bỏ, chuẩn bị thiết lập luồng giao thông mới cho khu vực này.

Nhiều công trình trọng điểm tại TP HCM được tái khởi động (Ảnh: sưu tầm)

 

Cùng với cầu Nam Lý, trên địa bàn TP Thủ Đức còn 2 công trình khác là cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu cũng đang rục rịch tái khởi động.

Riêng về công trình đường sắt đô thị, tuyến Metro số 2 đã được tái khởi động với việc khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật vào cuối tháng 6. Rút kinh nghiệm từ tuyến Metro số 1, việc di dời hạ tầng sẽ giúp cho nhà thầu chính có mặt bằng sạch, tập trung thi công công trình và quy hoạch không gian ngầm.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, những công trình này sẽ giúp giảm ách tắc giao thông cho thành phố, tạo nên bộ mặt thông thoáng hơn cho thành phố. Đây cũng là một trong 3 vấn đề Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu TP Hồ Chí Minh xử lý để sớm đưa vùng Đông Nam Bộ phát huy được lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nguồn: Cafe F (24/7/2023)

Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!

Xi măng Nghi Sơn

Tin tức liên quan

Thong ke