Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (24/01/2024)

ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 31/01/2024
►NGÀNH XI MĂNG TOÀN CẦU HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀO NĂM 2024
Theo Báo cáo Xi măng toàn cầu, xuất bản lần thứ 15 (GCR15), nhu cầu xi măng toàn cầu năm 2023 đạt 4025 triệu tấn, giảm 1,2% so với năm 2022. Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu trong ngành Xi măng toàn cầu, tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc đạt 2119 triệu tấn vào năm 2022, chiếm 52%. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc hiện đã chững lại, theo GCR15 báo cáo, nhu cầu giảm 10,4% vào năm 2022, tiếp theo là giảm lần lượt 4,1 và 1,5% vào năm 2023 và 2024, do cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở nước này.
Ngoài Trung Quốc, tăng trưởng về nhu cầu xi măng toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể sau đại dịch. Năm 2021, tiêu thụ xi măng toàn cầu giảm 8,7%, tiếp đó là 1,4% và 1,9% vào năm 2022 và 2023.
Tại Ấn Độ, nước tiêu dùng lớn thứ hai với 387.335 triệu tấn vào năm 2022, tăng trưởng 8,1% vào năm 2023, do xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng và tốc độ tốc độ mở rộng cao trong tương lai gần.
Tại Mỹ, nước tiêu dùng lớn thứ ba Thế giới, ước tính giảm khoảng 2,7% vào năm 2023 xuống còn 108 triệu tấn, do áp dụng lãi suất cho cả người xây nhà và người mua nhà. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu đang phục hồi và tăng trưởng trở lại vào năm 2024.
Sự dư thừa công suất đáng kể trên toàn cầu vẫn là vấn đề then chốt đối với ngành Xi măng. Đối với các quốc gia như Trung Quốc, hiện đang thu hẹp quy mô ngành, việc hợp lý hóa năng lực do nhà nước tài trợ dự kiến sẽ tăng tốc trong năm tới.
Tại các thị trường khác, dư thừa công suất sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại ở những nơi khả thi. Theo GCR15, thương mại toàn cầu về xi măng và clinker đã tăng từ 176 triệu tấn năm 2012 lên 226 triệu tấn vào năm 2022, tương đương 5,5% lượng tiêu thụ toàn cầu. Năm 2023, xuất khẩu xi măng và clinker trên toàn Thế giới chủ yếu là từ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chiếm phần lớn. Trong khi đó, nhập khẩu xi măng và clinker được dẫn đầu bởi Mỹ, Bangladesh và Philippines. Khối lượng thương mại được dự báo sẽ tiếp tục tăng ở mức ước tính 225,9 triệu tấn vào năm 2024.
Tính bền vững sẽ là chủ đề chính của ngành Xi măng toàn cầu vào năm 2024, năm mà dự án thu hồi carbon xi măng quy mô công nghiệp đầu tiên trên Thế giới sẽ đi vào hoạt động tại nhà máy Brevik của Heidelberg Materials ở Na Uy. Hơn nữa, các dự án khử carbon tiên tiến, bao gồm mọi khía cạnh của sản phẩm xi măng và bê tông, tiếp tục mở rộng với tốc độ đáng ngạc nhiên.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành Xi măng (18/01/2024)
►TÌNH HÌNH SẢN LƯỢNG NGÀNH XI MĂNG CỦA TRUNG QUỐC NĂM 2023
Phát triển kinh tế tại Trung Quốc trong năm 2023 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tăng trưởng đầu tư nói chung chững lại và suy thoái của thị trường bất động sản do vậy ngành Xi măng phải chịu gánh nặng lớn và nhu cầu xi măng cả nước sẽ tiếp tục sụt giảm.
Năm 2023, sản lượng xi măng lũy kế của Trung Quốc đạt 2,023 tỷ tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng ở mức thấp nhất kể từ năm 2011. Trong tháng 12, sản lượng xi của cả nước đạt 158 triệu tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 16,8% so với tháng trước, sản lượng đạt mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2010.
Nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu xi măng yếu là do thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu hồi phục, các dự án xây dựng mới ít hơn; mặt khác do trước áp lực nợ cao của chính quyền địa phương, chỉ có một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở những vùng nóng có thể được hỗ trợ ổn định cho nhu cầu xi măng, hầu hết các khu vực đều thiếu vốn, tiến độ xây dựng dự án chậm lại và nhu cầu xi măng không đủ.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (24/01/2024)
►NĂM 2023, VIỆT NAM XUẤT KHẨU HƠN 31,3 TRIỆU TẤN CLINKER VÀ XI MĂNG
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 2,53 triệu tấn, thu về gần 98 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 11/2023.
Lũy kế cả năm 2023, nước ta xuất khẩu hơn 31,3 triệu tấn clinker và xi măng, tương đương hơn 1,32 tỷ USD, giảm 1,2% về lượng, giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ.
Về thị trường, dẫn đầu là thị trường Phillipines chiếm tỷ trọng 27% về kim ngạch xuất khẩu, thứ hai là Bangladesh (17%) và thứ ba là Malaysia (5,2%). Xuất khẩu xi măng & clinker suy giảm do Trung Quốc giảm nhập khẩu (giảm 90% so với cùng kỳ), nhu cầu trên thị trường bất động sản nước này vẫn còn yếu. Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Australia đang là thị trường tích cực đẩy mạnh nhập khẩu trong năm 2023. Cụ thể, lũy kế 12 tháng năm 2023, Australia đã nhập gần 470.000 tấn clinker và xi măng từ Việt Nam, tương đương 23,4 triệu USD, tăng 135% về lượng và tăng 120% về giá trị. Giá xuất khẩu bình quân 12 tháng đạt gần 50 USD/tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu sử dụng xi măng cao nhưng do sản xuất xi măng ảnh hưởng tới môi trường, giá thành sản xuất trong nước cao nên hàng năm Australia vẫn nhập khẩu một lượng lớn xi măng. Nhập khẩu xi măng của Australia trước năm 2013 chủ yếu từ Trung Quốc (48%), Đài Loan (43%) và Thái Lan (7%). Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, xi măng và clinker của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Australia và thị phần ngày càng tăng mạnh.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (29/01/2024)
Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!