Điểm lại tin tức xây dựng nửa cuối 08/2023
Công ty Xi măng Nghi Sơn

Xi măng Nghi Sơn - Điểm lại tin tức xây dựng nửa cuối 08/2023

31 08 2023

ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 31/08/2023

►NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC YÊU CẦU TIẾP TỤC GIẢM MẶT BẰNG LÃI SUẤT

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản 6385/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8.

Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.

Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh liên tục giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

NHNN yêu cầu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất
Nguồn: Cổng thông tin điện tử chính phủ (15/08/2023)

 

THÁNG 7: SẢN LƯỢNG THÉP THÔ TOÀN CẦU TĂNG 6,6%

Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel) công bố vào ngày 22/8, tổng sản lượng thép thô trên toàn cầu đạt mức 158,5 triệu tấn trong tháng 7, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, Trên cơ sở hàng tháng, sản lượng thép thô toàn cầu giảm 0,1% so với tháng 6.

 

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thép thô toàn cầu đạt mức 1,103 triệu tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trong đó, tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, tổng sản lượng thép đạt mức 90,8 triệu tấn trong tháng 7, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn một chút so với mức 91,1 triệu tấn của tháng trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng thép của Trung Quốc đạt 626,5 triệu tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Chuyên ngành xi măng Việt Nam (23/08/2023)

 

TIÊU THỤ XI MĂNG KỲ VỌNG CÁC SIÊU DỰ ÁN CSHT GIAO THÔNG 

Bước sang quý III/2023, Chứng khoán KIS cho rằng nhu cầu tiêu thụ xi măng trên thị trường vẫn sẽ tiếp tục suy yếu khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino có khả năng làm tăng số ngày khô hạn trong quý III, điều này có thể cải thiện tình hình tiêu thụ xi măng của toàn ngành.

Đơn vị này dự phóng tổng sản lượng xi măng tiêu thụ trong quý II/2023 sẽ đạt mức 23,8 triệu tấn, tăng 8% so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường xuất khẩu, kênh tiêu thụ này trong quý II/2023 tiếp tục “ngấm đòn” lạm phát từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines, khiến cả sản lượng lẫn trị giá xuất khẩu đều sụt giảm kỷ lục.

Sản lượng xuất khẩu trong quý II vừa qua chỉ đạt 7,8 triệu tấn, với kim ngạch 347 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ đạt 300.000 tấn, giảm tới 78% so với quý đầu năm 2023.

VNCA nhận định, xuất khẩu xi măng và clinker năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn khi nhu cầu xây dựng của thị trường chính là Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng thị trường bất động sản nước này chưa khởi sắc, dẫn tới xuất khẩu xi măng, clinker của nước ta gặp khó.

 

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam có thể giúp giải quyết được bài toán tiêu thụ loại vật liệu xây dựng này trong thời gian tới.

 

Hiện tại, đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành. Trong đó, nhóm vật liệu xây dựng (đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép) được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án, cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.

Để gỡ khó cho ngành Xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đề xuất tháo gỡ điểm nghẽn đầu ra bằng cách tăng cường xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, khu đô thị, đường giao thông…, nhất là đường giao thông ở khu vực các tỉnh phía Nam để vừa tạo đầu ra cho sản phẩm, vừa có hạ tầng thuận lợi.

Trước mắt, các doanh nghiệp xi măng nên tìm cách phát triển sản phẩm mới và cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng doanh số bán hàng. Việc tìm mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, bao gồm cả thị trường xuất khẩu cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh số và giảm thiểu tác động của sự dư thừa sản lượng trong nước.

Nguồn: Vật liệu xây dựng (26/08/2023)

 

THÁNG 8: CHỈ SỐ NHÓM NHÀ Ở VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TĂNG 0,85%

Được biết, nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước là do giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá Thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 năm nay tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giá giảm 0,17%. Cụ thể, 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng theo thứ tự như sau: Nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85%; Nhóm giáo dục tăng 0,96%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,85%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% ; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,28% ; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,19%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Còn lại nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá điện thoại di động và cố định giảm.

 

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/8, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước. Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng thì nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đứng thứ 3.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8 tăng 0,85% so với tháng trước, tác động làm tăng CPI chung 0,16 điểm phần trăm. Các nguyên nhân chủ yếu như, giá nhà ở thuê tăng 0,8% so với tháng trước do chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu thuê nhà tăng. Bên cạnh đó, giá dầu hỏa tăng 15,94%, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 01/8; 11/8; và 21/8.

Ngoài ra, giá nước sinh hoạt tăng 0,93% do một số địa phương tăng giá từ tháng Bảy theo Quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Giá gas tăng 7% so với tháng trước, nguyên nhân là từ ngày 01/8, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 26.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas Thế giới tăng 77,5 USD/tấn (từ mức 387,5 USD/tấn lên mức 465 USD/tấn).

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng tháng 8 lại giảm so với tháng trước như: giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,15% do giá thép giảm; Giá điện sinh hoạt giảm 0,89% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.

Về lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%).

So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57. Trong mức tăng CPI tháng 8/2023, khu vực thành thị tăng 0,87%; khu vực nông thôn tăng 0,89%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm; trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay.

Nguồn: Chuyên ngành xi măng Việt Nam (30/08/2023)

Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!

Xi măng Nghi Sơn

Tin tức liên quan

Thong ke