
ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 29/09/2023
►DỰ ÁN CAO TỐC BẮC NAM: THÍ ĐIỂM 300M SỬ DỤNG CÁT BIỂN LÀM VẬT LIỆU ĐẮP NỀN
Chở cát biển từ Trà Vinh đến Bạc Liêu để san lấp
Ngày 19/9, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ – cà Mau) cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu cát trong xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025) thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường với chiều dài 300m thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, tuyến đường ĐT 978, đoạn giao với Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau tại km79+820 (thuộc địa bàn xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) được sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường với chiều dài 300m giao cắt với tuyến cao tốc tại lý trình km79+820 - dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau. Trong đó, 60m đoạn hạ âm và 240m đoạn thử nghiệm với 3 mái dốc ta-luy nền đường khác nhau. Theo số liệu phân tích, về mặt cơ lý của đoạn đường được đắp bằng cát biển thì không khác gì cát sông. Bên cạnh đó, về độ mặn và hàm lượng clorua trong nước mặt, đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm thay đổi hàm lượng nêu trên.
Nguồn cát biển dùng để thí điểm đắp nền được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), vận chuyển trên biển đến cửa sông Hậu để bơm sang mạn tàu vận chuyển. Sau đó tiếp tục vận chuyển bằng đường sông đến đoạn sông gần vị trí thi công tại xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) với cự ly khoảng 170km được bơm lên bãi tập kết và vận chuyển đến vị trí thi công. Nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh với khối lượng 6.000m3, trong tổng số một triệu m3 đã được cấp phép khai thác. Chủ đầu tư cho biết, phương án thi công là đắp nền bình thường, có taluy 1,5m hai bên và lót vải địa kỹ thuật...
Giải quyết được tình “nóng” tại các dự án giao thông trọng điểm
Việc thí điểm sử dụng cát nước mặn đắp nền tại Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau làm nhiều địa phương phấn khởi sẽ giải được bài toán thiếu cát lấp của nhiều địa phương, tạo tiền đề để nhân rộng và triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam đúng tiến độ. Theo ước tính, chỉ tính riêng Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát nhưng lượng cát hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 1,47 triệu m3 (tức khoảng 8% nhu cầu thực tế). Cụ thể, trữ lượng khai thác cát ở Đồng Tháp hơn 7 triệu m3, trong khi nhu cầu sử dụng cát cho các dự án đầu tư công trên địa bàn là 13,6 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh cần 6 triệu m3 để làm hai cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và Cao Lãnh - Mỹ An. Từ thực tế trên, tỉnh Đồng Tháp chưa xác định được nguồn, số lượng cát cung ứng cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Trên thế giới, từ rất lâu, các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, Singapore... đã ứng dụng hiệu quả công nghệ xử lý cát biển để dùng trong xây dựng, san lấp, thậm chí là sản xuất bê tông. Thời gian qua, nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nghiên cứu, sử dụng cát biển thay thế cát sông. Một số công trình nghiên cứu bước đầu cho thấy có thể sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như thiếu nguồn lực, công nghệ, hệ thống tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực và quan trọng nhất là quy hoạch, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện nên sử dụng cát biển thay thế cát sông trong san lấp, xây dựng chưa được triển khai vào thực tế. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn trương áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển vào đắp nền đường. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sớm báo cáo về căn cứ pháp lý, hướng dẫn thủ tục điều tra, thăm dò, khai thác, đánh giá trữ lượng, kết quả đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực thăm dò khai thác cát biển.
Nguồn: Báo xây dựng (19/09/2023)
►THANH HOÁ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ 13 DỰ ÁN NHÀ XÃ HỘI
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án xây một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành ít nhất 13.787 căn, theo chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đề án.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến hoàn thành 13 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư và đang xây dựng. Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, cung cấp hơn nghìn căn nhà xã hội được tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ hoàn thành 14 dự án trong kế hoạch và các dự án được đề xuất bổ sung vào Kế hoạch phát triển nhà ở được phê duyệt. 14 dự án có tổng diện tích gần 25 ha, cung cấp gần 7.500 căn hộ.
Sở Xây dựng được giao sớm trình UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021-2025, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thanh Hóa hiện có 18 dự án nhà ở xã hội đã và đang đầu tư xây dựng, tập trung ở TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa. Tuy nhiên, trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng hoặc do năng lực chủ đầu tư.
Nguồn: Vnexpress (27/09/2023)
►NHẬP KHẨU SẮT THÉP TĂNG 3 THÁNG LIÊN TIẾP
Đây là số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, nhu cầu sắt thép trên thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Nhập khẩu sắt thép trong tháng 8/2023 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2023, đạt 1,29 triệu tấn, tăng 18,2% so với tháng 7/2023 và tăng 64,0% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu sắt thép trong tháng 8/2023 đạt 937,66 triệu USD, tăng 11,2% so với tháng 7/2023 và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu sắt thép về Việt Nam đạt 7,93 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 6,54 tỷ USD, giảm 26,2%.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều nhất sắt thép cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm 57,2% tỷ trọng, đạt 3,26 triệu tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16,1%, Hàn Quốc chiếm 8,9%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 6,2%...
Các nhà sản xuất thép Việt Nam đã tăng nhập khẩu phế liệu sắt trong tháng 8/2023, đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ mức nhập khẩu thấp trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua.
Theo đó, Việt Nam nhập khẩu hơn 310 nghìn tấn phế liệu trong tháng 8/2023, tăng 43% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 8 giảm 6,8% trong năm xuống còn 2,87 triệu tấn.
Đối với thị trường xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 8/2023 đạt 988 nghìn tấn, giảm 2% so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng năm 2023, cả nước xuất khẩu 7,38 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 5,69 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng nhưng giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lượng sắt thép các loại của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 tăng chủ yếu do xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường EU (27 nước) gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 2,31 triệu tấn. Trong khi đó, lượng sắt thép sang thị trường ASEAN là 2,34 triệu tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành Xi măng (28/09/2023)
►GDP QUÝ III/2023 ƯỚC TÍNH TĂNG 5,33%
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/9) cho thấy, GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.
Về sử dụng GDP quý III/2023, Tổng cục Thống kê cho hay, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.
GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,47%; 38,49%; 41,29%; 8,75%).
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.
Nguồn: VOV (29/09/2023)
Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!