Công ty Xi măng Nghi Sơn

Xi măng Nghi Sơn - Điểm lại tin tức xây dựng nửa cuối 11/2023

01 12 2023

ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 30/11/2023

►GIÁ NHÀ Ở TRUNG QUỐC GIẢM 4 THÁNG LIÊN TIẾP

Giá nhà mới đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, với số lượng thành phố bị ảnh hưởng nhiều kỷ lục kể từ đỉnh điểm của đại dịch.

Giá nhà mới trong tháng 10 tiếp tục giảm 0,3% so với tháng trước, sau khi giảm 0,2% trong tháng 9, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).

Trong 70 thành phố được thống kê, có đến 56 báo cáo giá nhà giảm vào tháng trước, mức nhiều nhất kể từ tháng 10/2020, tăng từ 54 thành phố hồi tháng 9. Giá nhà tại ba thành phố lớn là Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu đều giảm trong tháng qua.

Một công nhân đi qua dự án đang xây dựng ở Bắc Kinh ngày 14/4/2022

Đối với nhà ở hiện hữu, dữ liệu của NBS cho biết 67 thành phố có giá tháng 10 giảm so với tháng liền trước, tăng so với 65 thành phố trong tháng 9. Ma Hong, chuyên gia phân tích cấp cao của Zhixin Investment Research, cho biết lý do quan trọng nhất khiến giá giảm là nhu cầu yếu.

"Khách hàng không biết liệu những ngôi nhà mà họ mua có được giao đúng hạn như chủ đầu tư đã hứa hay không", ông nói thêm. Nomura ước tính có khoảng 20 triệu căn hộ được bán nhưng chưa được xây dựng hoặc bị trì hoãn. Con số này tương đương gấp 20 lần số căn hộ còn dang dở của Country Garden tính đến cuối năm 2022.

Từng là động lực tăng trưởng quan trọng, chiếm khoảng 25% nền kinh tế Trung Quốc , chính sách 3 lằn ranh đỏ đã khiến nhiều nhà phát triển bất động sản bị siết thanh khoản, tăng rủi ro vỡ nợ và nhiều dự án đóng băng. Liu Aihua, người phát ngôn NBS đánh giá thị trường bất động sản vẫn đang điều chỉnh và chuyển đổi, đồng thời sẽ có những "bước ngoặt" trong quá trình phục hồi kinh tế.

Bắc Kinh đã triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ, bao gồm nới lỏng hạn chế mua nhà và cắt giảm chi phí vay nhưng khách hàng vẫn thận trọng. "Người dân vẫn không chắc chắn về tăng trưởng thu nhập và lợi tức đầu tư tài chính trong nước thấp. Họ ngần ngại mua món đồ lớn như một ngôi nhà", Ma Hong nêu.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc có kế hoạch cung cấp ít nhất 137 tỷ USD lãi suất thấp cho các chương trình cải tạo đô thị và phát triển nhà ở giá rẻ. Zhang Dawei, nhà phân tích tại cơ quan bất động sản Centaline cho rằng các chính sách bất động sản, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất, cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. "Giá nhà dự kiến tiếp tục giảm trong mùa thấp điểm truyền thống là tháng 11 và tháng 12", ông dự báo.

Nguồn: Vnexpress (17/11/2023)

 

►ODA NHẬT BẢN CHO VIỆT NAM CÓ THỂ VƯỢT 100 TỶ YÊN TRONG NĂM 2023

Vốn ODA năm tài khóa 2023 của Nhật cho Việt Nam có thể vượt 100 tỷ yen (674 triệu USD) - lần đầu kể từ 2017.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 27/11 cho biết các khoản vay ODA của Nhật dành cho Việt Nam năm 2023 lần đầu vượt 100 tỷ yen (674 triệu USD) kể từ năm tài khóa 2017. Năm tài khóa của Nhật thường bắt đầu vào ngày 1/4 của một năm và kết thúc vào 31/3 năm kế tiếp.

Vốn viện trợ phát triển chính thức trong 30 năm qua được lãnh đạo Việt - Nhật nhìn nhận đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Dòng vốn này cũng khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác nhằm làm sôi động hóa hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy các dự án hạ tầng quy mô lớn, chất lượng cao ở Việt Nam.

Hai lãnh đạo tái khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết khó khăn còn tồn đọng trong thực hiện các dự án ODA, bao gồm cả các dự án hợp tác kỹ thuật tại Việt Nam, thông qua một cơ chế hợp tác.

Hai bên cũng có ý định thúc đẩy, triển khai các dự án ODA mới, tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế. Dòng vốn mới dự kiến có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt.

Lãnh đạo hai bên cũng chia sẻ nhận thức chung về tính cấp thiết trong thúc đẩy các dự án kinh tế lớn, bao gồm các dự án sử dụng nguồn ODA và FDI của Nhật. Việt Nam và Nhật Bản sẽ xác định cụ thể các dự án này sớm nhất có thể, từ đó, nghiên cứu khả năng thiết lập nhóm công tác điều phối giữa hai Chính phủ tại Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Nhật Bản bắt đầu viện trợ vốn ODA cho Việt Nam vào năm 1954. Sau một thời gian gián đoạn, nước này bắt đầu tái cấp vốn từ tháng 11/1992. Từ 1995 đến nay, Nhật luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất trong các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam. Tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (tương đương 27,5 tỷ USD).

Văn phòng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, vốn ODA tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị.

Những dòng vốn đó thành hình qua 3.300 km đường bộ được xây dựng (tương đương 70% đường hai làn tiêu chuẩn cao tại Việt Nam), các nhà máy điện với tổng công suất 4.500 MW (khoảng 10% sản lượng điện quốc gia), hay những công trình biểu tượng như cầu Nhật Tân, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, tuyến đường sắt Metro số 1. Ngoài những phần cứng trong xây dựng hạ tầng, vốn ODA còn hỗ trợ những phần mềm như phát triển nguồn nhân lực; xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Khi Covid-19 bùng nổ, Nhật Bản cũng cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh dịch.

Nguồn: Vnexpress (28/11/2023)

 

PHẤN ĐẦU ĐẾN NĂM 2030, 100% CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CÓ NHÀ Ở CÔNG NHÂN

Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, 100% các Khu công nghiệp được quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa cho người lao động. Đó là mục tiêu quan trọng được xác định trong Kế hoạch triển khai chỉnh trang các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội số 276/KH-UBND vừa được ban hành ngày 22/11.

Khu nhà ở xã hội tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Cùng với đó, phấn đấu 100% các Khu công nghiệp được xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, theo quy hoạch được duyệt. Thực hiện rà soát, chỉnh trang, xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các Khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các Khu công nghiệp, tăng mức độ thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan tại Khu công nghiệp và sự phát triển chung của khu vực; góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc của doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động trong Khu công nghiệp.

Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 10 Khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, có 9 Khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy 100%, 01 Khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, và tích cực thu hút dự án đầu tư. Trong tổng số 10 Khu công nghiệp đang hoạt động có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở; đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở, và đã bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Nguồn: Quốc phòng Thủ đô (28/11/2023)

 

GIÁ THÉP XÂY DỰNG TĂNG LẦN THỨ HAI LIÊN TIẾP TRONG THÁNG 11

Ngày 28, 29/11, một số doanh nghiệp sản xuất thép tăng 50.000 - 250.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép xây dựng, tùy từng thương hiệu, chủng loại. Đây là đợt tăng giá thứ 2 liên tiếp trong tháng 11, sau 3 tháng đi ngang.

Nhãn

Thông tin từ Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel), thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục mạch tăng giá trong tuần cuối của tháng 11 khi giá thép thanh vằn tăng đồng loạt toàn quốc. Nhiều khả năng lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 11 của ngành Thép Việt Nam sẽ vượt qua mức sản lượng của tháng 9 để trở thành tháng có mức sản lượng cao nhất trong 11 tháng năm 2023.

Mức điều chỉnh tăng giá tại Việt Nam thấp hơn so với khu vực và thế giới, nhưng phần lớn người tham gia thị trường đều cho rằng thị trường thép xây dựng nội địa vẫn đang nỗ lực để phục hồi và sẽ giữ đà phục hồi này trong giai đoạn cuối năm 2023, VNSteel cho biết.

Giá thép xây dựng tăng hầu hết ở các khu vực thị trường thế giới, xu hướng tăng giá này đã kéo dài hơn 4 tuần gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá thép thành phẩm đang thấp hơn tốc độ tăng giá nguyên liệu đầu vào. 

Giá chào phôi thép nội địa các loại trong tuần cuối tháng 11 tăng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tấn so với tuần trước. Trong khi, từ đầu tháng 11 cho tới nay, giá thép xây dựng nội địa mới chỉ tăng phổ biến 150.000 - 250.000 đồng/tấn thì giá phôi thép sản xuất trong nước đã tăng khoảng 500.000 đồng/tấn.

Tương tự, giá thép phế khu vực phía Bắc trong những ngày cuối tháng 11 đã tăng thêm 100.000 - 300.000 đồng/tấn so với tuần trước đó và tăng 300.000 - 500.000 so với đầu tháng 11.

Giá phế khu vực phía Nam cơ bản vẫn đi ngang nhưng những người tham gia thị trường nhận định các nhà sản xuất tại khu vực này cũng sẽ sớm có động thái điều chỉnh giá thu mua phế liệu nội địa trong bối cảnh giá thép phế nhập khẩu  tăng cao, VNSteel nhận định.

Nguồn: Vật liệu xây dựng (30/11/2023)

Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!

Xi măng Nghi Sơn

Tin tức liên quan

Thong ke