
ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 15/04/2024
►QUÝ II - TIÊU THỤ XI MĂNG KỲ VỌNG ĐƯỢC CẢI THIỆN
Dự báo quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc tại khu vực miền Trung và miền Nam) được kỳ vọng có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.
Theo các nhà sản xuất, thị trường xi măng cả trong nước lẫn xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Đối với kênh xuất khẩu, sở dĩ sản lượng giảm mạnh là do Trung Quốc giảm nhập khẩu, bởi thị trường bất động sản nước này chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, cạnh tranh xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam khốc liệt hơn do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mua nhiều xi măng Việt Nam, điển hình là Phillipiness, Bangladesh. Tại thị trường xuất khẩu xi măng chủ yếu - Phillipiness, nước này vẫn áp dụng chính sách bảo hộ (thuế chống bán phá giá với xi măng nhập từ Việt Nam), cộng với cạnh tranh dư thừa tại Trung Đông và Đông Nam Á... Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 đạt gần 42,4 USD/tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ, chưa kể doanh nghiệp xuất khẩu clinker trong nước phải chịu thuế 10% từ 1/1/2023.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS. TS Lương Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ ra, yếu tố bất khả kháng liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng, mặc dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giai đoạn này, ngành Xi măng vẫn phải chịu áp lực lớn, khi khả năng hấp thụ xi măng của nền kinh tế trong nước kém. Bên cạnh đó, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023...
Trước những biến động của thị trường, ngành Xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt đưa ra nhiều chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.
Những dự báo nêu trên sẽ tiếp thêm niềm tin cho các doanh nghiệp xi măng trở lại đường băng tăng trưởng trong năm nay dù cho vẫn còn không ít khó khăn, thách thức ở phía trước. Và điều quan trọng để tránh tiếp tục sa sút lợi nhuận hoặc thua lỗ đòi hỏi các doanh nghiệp xi măng hàng này có những giải pháp hiệu quả hơn nữa để kéo giảm các loại chi phí.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (03/04/2024)
►VNCA TIẾP TỤC KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG GỠ KHÓ CHO NGÀNH XI MĂNG
Trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm. Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước chỉ bằng 84%, còn lượng xuất khẩu xi măng bằng 99% so với cùng kỳ 2022 (nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn).
Năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử của ngành Xi măng Việt Nam, đến từ nội tại ngành và cả yếu tố bên ngoài bất khả kháng. Các doanh nghiệp xi măng đang nỗ lực tái cấu trúc, hướng tới sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên. Hy vọng năm mới 2024, bức tranh có thêm nhiều gam màu tươi sáng hơn.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước suy yếu, các dự án đầu tư công triển khai chậm. Các dự án xây đường giao thông, trong đó cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng.
Trong khi đó, thị trường nhà ở, bất động sản chưa hồi phục, tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp lại khó khăn về sản xuất khi giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than. Thuế xuất khẩu clinker tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng lớn.
Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng cùng các Bộ, ngành tìm cách tăng tiêu thụ nội địa thông qua xây dựng các tuyến đường cầu cạn thay đường bê tông xi măng cốt thép, nhất là ở những vùng đất yếu, hay những nơi cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ cũng nên cân nhắc gia cố nền đường bằng xi măng - đất để thay thế cho giải pháp truyền thống đắp nền đường bằng cát san lấp, Hiệp hội Xi măng nêu.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu với clinker. Còn trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, Hiệp hội đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tiếp theo là 5% và được khấu trừ VAT. Đồng thời Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành xi măng (10/04/2024)
►QUÝ I - NGUỒN CUNG CĂN HỘ MỚI TẠI HÀ NỘI TĂNG 11%
Công ty Đầu tư và Dịch vụ Bất động sản Thương mại của Mỹ (CBRE) vừa công bố báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản Hà Nội quý 1/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung căn hộ mở bán mới tại Hà Nội trong quý 1/2024 đã tăng 11%. Dự kiến cả năm 2024 Hà Nội sẽ có thêm hơn 12.000 căn hộ chung cư mở bán mới.
Theo đó, nguồn cung mới tại Hà Nội tập trung chủ yếu ở các dự án chung cư cao cấp khu vực phía Tây. Cụ thể, tổng nguồn cung mở bán mới trong quý 1 đạt hơn 2.300 căn hộ chung cư và 30 căn nhà ở thấp tầng.
So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung căn hộ bán mới tại Hà Nội trong quý 1 đã tăng 11%, nhưng con số này vẫn chưa phục hồi về lại mức 3.000 - 4.000 căn mở bán mới trong quý đầu tiên của các năm 2021 và 2022. Đáng chú ý, tổng số căn bán được trong quý đạt hơn 2.000, tương đương mức ghi nhận được trong quý 1/2023. Trong đó, có những dự án mới ghi nhận bán được gần 700 căn.
Tuy nhiên, CBRE đánh giá, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục ở phân khúc cao cấp đã đẩy giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội lên cao. Giá bán sơ cấp trung bình hiện đạt 56 triệu đồng/m² (chưa bao gồm VAT và kinh phí bảo trì), tăng 5% theo quý và 19% theo năm.
Báo cáo của CBRE cho thấy, giá bán tại thị trường thứ cấp của chung cư Hà Nội quý 1 ghi nhận mức tăng giá theo năm cao nhất từ trước tới nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức hơn 36 triệu đồng/m². Đáng nói, mức tăng trưởng mạnh ghi nhận ở hầu khắp các quận ở Hà Nội và tập trung ở các quận phía Tây nơi nguồn cung hiện hữu dồi dào và dân cư đông đúc.
Theo Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội Nguyễn Hoài An, trước bối cảnh hạn chế nguồn cung ở TP.HCM, trong khi đó thị trường biệt thự và liền kề Hà Nội tạm thời chưa có nhiều diễn biến sau giai đoạn 2021 - 2022 bùng nổ đã thôi thúc một bộ phận các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các dự án chung cư, đặc biệt tại Hà Nội. Do đó, sự quan tâm dành cho các sản phẩm chung cư tại Hà Nội đang gia tăng.
Theo CBRE, dự kiến cả năm 2024 Hà Nội sẽ có thêm hơn 12.000 căn hộ chung cư mở bán mới, tăng gần 20% so với năm 2023. Nguồn cung mới tiếp tục tập trung ở phân khúc cao cấp. Vì thế, giá sơ cấp tại Hà Nội năm 2024 vẫn sẽ neo ở mức cao và có thể tăng 10% theo năm.
Nguồn: Vật liệu xây dựng (15/04/2024)
Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!