
ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 15/10/2023
►NGHỆ AN PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VLXD THỜI KỲ 2021 - 2030 HƯỚNG ĐẾN 2050
Ngày 27/9, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 3089/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050.
Quyết định có những nội dung cơ bản, đáng chú ý sau:
• Quan điểm phát triển: Phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ này và định hướng phải phù hợp với Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng quốc gia, Quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ và các quy hoạch khác có liên quan; khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh thắng…
• Đối tượng vật liệu xây dựng cụ thể gồm: xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch đất sét nung, vật liệu không nung; vật liệu lợp, đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; vật liệu san lấp; bê tông; các loại vật liệu hữu cơ, vật liệu thay thế khác được sử dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn Nghệ An.
• Mục tiêu tổng quát: tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh, nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiến tiến hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo nguồn vật liệu cho xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành Vật liệu xây dựng trong nền kinh tế của tỉnh; loại bỏ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
• Mục tiêu cụ thể: đối với xi măng, hạn chế đầu tư mới các dự án sản xuất xi măng; từ nay đến năm 2030 duy trì tổng năng lực sản xuất xi măng trên địa bàn đạt từ 13,6 - 14 triệu tấn; các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn thì phải đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ… tương tự, đối với các loại gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng và sản phẩm sau kính, gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, cát xây dựng, đá xây dựng, vật liệu san lấp, bê tông, vôi công nghiệp, sứ vệ sinh, một số chủng loại vật liệu xây dựng khác như vữa khô trộn sẵn, gạch terrazzo, tấm thạch cao, tấm panel-3D cũng có quy định cụ thể tương ứng.
• Kế hoạch, giải pháp: Theo văn bản, UBND tỉnh đề ra từng nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển thị trường, tiêu thụ; khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về nhân lực, môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển vật liệu xây dựng.
Tại văn bản trên, UBND tỉnh Nghệ An giao các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải; Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, các sở, ban, ngành khác và UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng nắm vững các quy định và định hướng trên để thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo quy định.
Nguồn: Báo Nghệ An (02/10/2023)
►HÀ NỘI LẬP QUY HOẠCH XÂY MỚI KHU TẬP THỂ KIM LIÊN
UBND TP Hà Nội vừa quyết định lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và vùng phụ cận, quận Đống Đa.
Phạm vi lập quy hoạch rộng hơn 43 ha, thuộc địa giới hành chính phường Kim Liên và phường Phương Mai, quận Đống Đa. Trong đó, phía Đông Bắc giáp phố Đào Duy Anh. Phía Đông, Đông Nam giáp phố Phương Mai, đường Giải Phóng và khu tập thể Phương Mai. Phía Tây Bắc giáp phố Phạm Ngọc Thạch và phía Tây Nam giáp sông Lừ.
Chi phí dự toán lập quy hoạch hơn 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, gồm cả chi phí tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư; công bố quy hoạch; thực hiện công tác thầu và lập mô hình.
Gần đây, thành phố bắt đầu lập quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng lại các khu nhà tập thể trong giai đoạn 2021-2025, bắt đầu với khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và Trung Tự (quận Đống Đa). Việc cải tạo chung cư cũ trước đây chỉ thực hiện với từng tòa nhà, không làm đồng bộ cả khu.
Quận Đống Đa hiện có 20 khu tập thể cũ với 507 nhà chung cư, tổng 20.000 căn hộ. Trong năm 2023, quận sẽ kiểm định 138 chung cư cũ chia thành hai đợt. Đợt 1 kiểm định 17 chung cư cũ tại các phường Kim Liên, Trung Tự, Thổ Quan. Đợt 2 với 121 chung cư còn lại.
Nguồn: Vnexpress (03/10/2023)
►ĐẦU TƯ 3.900 TỶ LÀM 52KM ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án có tổng chiều dài gần 52 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45 km, đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6,6 km.
Đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất có chiều dài đoạn tuyến hơn 11 km, điểm đầu và điểm cuối nằm trên tuyến quốc lộ 61, nối huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng, Kiên Giang. Đoạn Gò Quao - Vĩnh Thuận có chiều dài đoạn tuyến khoảng gần 41 km, điểm đầu nối với quốc lộ 61, thuộc địa phận huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; điểm cuối giao quốc lộ 63, thuộc địa phận huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Trên tuyến dự kiến có 26 cầu, trong đó 3 cầu lớn vượt sông gồm: cầu Cái Lớn, cầu Bần Ổi và cầu Bến Luông.
Tuyến đường giai đoạn đầu được xây dựng theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với 2 làn xe. Sau nâng lên 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h cho cả hai giai đoạn.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó chi phí bồi thường, tái định cư dự kiến là gần 540 tỷ đồng và chi phí xây dựng hơn 2.800 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2022 - 2025.
Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí nguồn vốn cho dự án khoảng 3.123 tỷ đồng; chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 780 tỷ đồng.
Nguồn: Báo tiền phong (11/10/2023)
►DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG CUỐI NĂM 2023
Khảo sát thị trường thép xây dựng cho thấy, từ 7/9, một số doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục thông báo giảm 100.000 - 310.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép cuộn CB240, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên giá bán.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vào đầu năm, giá thép lên đến gần 16 triệu đồng/tấn. Sau đó giá đã giảm 19 lần xuống dưới 14 triệu đồng/tấn, hiện giá thép đã “về đáy” thấp nhất trong 3 năm qua.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Trong đó, tiêu thụ chậm thép xây dựng đến từ nguyên nhân thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Với xi măng, giá mặt hàng này 9 tháng đầu năm tương đối ổn định. Cụ thể, sau khi ghi nhận 3 đợt tăng giá tháng 6/2022 với mức tăng từ 220.000 - 270.000 đồng/tấn, đến nay các doanh nghiệp xi măng vẫn giữ nguyên giá bán so với lần tăng giá gần nhất hồi tháng 6/2022.
Hiện tại, giá bán xi măng trong nước đang có sự chênh lệch theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam đang ở mức tương đối cao, ở mức 1,7 triệu đồng/tấn; giá bán xi măng tại khu vực miền Bắc, miền Trung dao động trong khoảng 13,2 - 16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.
Nguồn: thông tin chuyên ngành Xi măng (12/10/2023)
Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!