
ĐIỂM TIN XI MĂNG NGHI SƠN | Cập nhật đến 15/11/2023
►TÌNH HÌNH BẤT ĐỘNG SẢN NĂM 2023 VÀ DỰ BÁO NĂM 2024
Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản nửa đầu năm nay trầm lắng và khó khăn. Số dự án nhà ở thương mại và số lượng giao dịch trong nửa đầu năm đều giảm so với nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, trong giai đoạn cuối 2023 - đầu 2024, bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn và sẽ ổn định dần trong khoảng cuối quý II và đầu quý III/2024.
Thực tế, mức độ quan tâm dành cho bất động sản ở nhiều địa phương trên cả nước đã cho thấy sự ấm lên trong vài tháng vừa qua và lượng giao dịch trên toàn thị trường cũng đã tăng dần. Nếu quý II/2023 ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 1.000 giao dịch so với 2.700 ở quý I; thì sang quý III, thị trường ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,6 lần quý II và hơn 2 lần so với quý I/2023.
Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Chưa bao giờ các luật liên quan đến bất động sản như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Tổ chức tín dụng được sửa đổi cùng lúc như hiện tại. Các dự án đầu tư công lớn như Dự án Đường Vành đai 4 (Hà Nội), Dự án Metro (TP. HCM)... cũng hứa hẹn sẽ giúp thị trường bất động sản “rã băng” trong thời gian tới.
Về thu hút vốn FDI, lĩnh vực bất động sản vẫn đạt vị trí thứ 2 với hơn 1,76 tỷ USD (tính đến cuối tháng 8/2023). Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn dành sự quan tâm lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Nguồn: Vật liệu xây dựng (01/11/2023)
►QUỐC HỘI GIAO CHÍNH PHỦ MỤC TIÊU GDP NĂM 2024 TĂNG 6-6,5%
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6-6,5%, lạm phát 4-4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-4.730 USD.
Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% vào năm sau. Mức này tương đương chỉ tiêu giao năm 2023, nhưng kinh tế thế giới khó khăn, chịu tác động bởi các cuộc xung đột địa chính trị nên năm nay dự báo GDP chỉ tăng trên 5%.
Thảo luận trước đó, một số ý kiến cho rằng bối cảnh kinh tế năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro, khó đoán định, nên mục tiêu GDP tăng 6-6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng 5-6%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi báo cáo tiếp thu, giải trình cho hay, kịch bản GDP năm sau được đưa ra trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi, khó khăn và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).
Ba động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác
Cùng đó, trên cơ sở GDP năm nay đạt trên 5% nên dự kiến mức tăng năm sau 6-6,5% "thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, xã hội". Nhưng để đạt mục tiêu này, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.
Nguồn: Vnexpress (09/11/2023)
►TỪ 09/11: GIÁ ĐIỆN TĂNG HƠN 2.000 ĐỒNG/kWh
Ngày 8/11,Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 9/11/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Như vậy kể từ đầu năm tới nay, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5%. Với mức tăng hai lần trong năm 2023, giá điện đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.
Nguồn: Thông tin chuyên ngành Xi măng (13/11/2023)
►GIÁ BÁN XI MĂNG KHÓ TĂNG DO NHU CẦU TIÊU THỤ YẾU
Theo các chuyên gia nhận định việc tăng giá bán lẻ điện có thể tác động tiêu cực đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng như xi măng, thép, hóa chất… Giá điện bán lẻ tăng thêm 4,5% sẽ khiến giá vốn hàng bán của doanh nghiệp xi măng nhích lên 0,6%. Tính từ đầu năm đến nay, giá điện đã tăng tới 7,6%, điều này đồng nghĩa giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nhảy lên 1,1%, tức nguồn năng lượng này chiếm trên 15% chi phí sản xuất xi măng.
Trao đổi với ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết ở điều kiện bình thường (không tính đến bão giá năng lượng năm 2022), điện chiếm khoảng 13% giá vốn clinker và 15% chi phí sản xuất xi măng. Tuy nhiên sau khi tăng giá điện bán lẻ lên 2.006 đồng/kWh, tỷ trọng này có thể tăng khoảng 1,5%, lên 14,5% với clinker và 16,5% với xi măng thành phẩm.
Chỉ trong vòng 3 năm (2020-2023), ngành Xi măng liên tiếp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cơn bão giá than và sự suy thoái của thị trường bất động sản trực tiếp tác động đến tiêu thụ sản phẩm. Việc giá điện liên tục tăng đã gia tăng gánh nặng với ngành Xi măng khi doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau những biến cố nói trên.
Thông thường, khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp có thể giảm tác động bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên ở thời điểm này, doanh nghiệp xi măng khó có thể làm được điều này do nhu cầu tiêu thụ xi măng đang rất yếu.
Trong bối cảnh tiêu thụ xi măng ảm đạm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, ông Lương Đức Long cho rằng doanh nghiệp xi măng sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quý IV năm nay.
Do điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất xi măng, cần có lộ trình điều chỉnh giá điện cụ thể hơn, tránh tăng sốc để doanh nghiệp có thể thích nghi và xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần can thiệp biện pháp thuế, phí, hỗ trợ các doanh nghiệp xi măng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hãy theo dõi Fanpage Xi măng Nghi Sơn để nhận được những cập nhật sớm nhất về tin tức thị trường!